Ra thăm Côn Đảo, du khách không thể không đến thăm hòn Bảy Cạnh. Bởi ở đó, du khách sẽ có một chuyến du lịch thú vị với nhiều hoạt động như: bơi lặn ngắm san hô, mắc võng ngủ ở rừng, quan sát các loài sinh vật, động vật đáng yêu từ thiên nhiên hoang dã.
Lặn ngắm san hô
Từ thị trấn Côn Sơn, mất khoảng 20 phút di chuyển bằng ca nô, chúng tôi đến Hòn Bảy Cạnh. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên Hòn Bảy Cạnh là nơi đây không có nhà nghỉ, khách sạn, không có dịch vụ ăn uống. Rất đông các nhóm khách du lịch có mặt tại đây đã chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống như: bánh mỳ, mỳ gói, giò lụa, trái cây, nước uống do được tư vấn trước. Mọi người không giấu được vẻ hào hứng để bắt đầu tour du lịch trải nghiệm một đêm ở đảo.
Sau khi cất gọn hành lý vào một chỗ, chúng tôi men theo con đường mòn được đổ bê tông đi sâu vào khu rừng. Mọi người trầm trồ khi nhìn thấy những chú gà rừng nhảy nhót, bay lượn trên các cành cây, những chú tắc kè hoa có màu sắc lộng lẫy bám trên những gốc cây cổ thụ. Ra tới khu vực rừng đước, du khách lội xuống khám phá sinh thái rừng ngập mặn và thú vị nhất khi được mặc áo phao, gắn ống thở để bơi lặn ngắm san hô. Dưới đáy biển, những rạn san hô đủ chủng loại như san hô dạng phiến, dạng bàn, dạng cành, khối hiện lên như một bức tranh 3D đầy quyến rũ và mê hoặc.
Chị Trịnh Minh Hiền, đến từ TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Thật thú vị, nước sâu chừng 4-7m nhưng trong vắt có thể nhìn thấy đáy biển. Cùng với ngắm san hô, chúng tôi còn được xem các tài nguyên sinh vật biển phong phú như ốc đá, trai tai tượng vảy, hải sâm, cá bướm… những loài mà tôi mới chỉ được thấy trên truyền hình, giờ được tận mắt nhìn, cảm giác thật khó tả”.
Khoảng hơn 5 giờ chiều, mọi người tiếc nuối chia tay những rạn san hô quay về Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh để tiếp tục hành trình khám phá. Tại đây, chúng tôi được các nhân viên kiểm lâm tiếp đón bằng bữa tối với các món ăn có sẵn ở đảo như: rau xà lách trời ăn sống, cá nấu măng tươi rừng. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng ai nấy đều cảm thấy ngon miệng vì thức ăn sạch và tươi ngon. Xong bữa tối, cả đoàn nghỉ ngơi chừng 30 phút trước khi khám phá khu rừng ngập mặn về đêm.
Qua đêm ở đảo
Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, nét đặc trưng của Hòn Bảy Cạnh chính là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn Côn Đảo phân bố chủ yếu trên nền thổ nhưỡng san hô chết, cát, sét mềm. Điểm khác biệt này giúp du khách có thể đi lại dễ dàng trong rừng khi thủy triều rút chứ không bị sình lầy như các nơi khác. Đêm xuống, nét hấp dẫn du khách đó là khám phá hoạt động đời sống của một loài cua chỉ có ở Côn Đảo, cua xe tăng. Loài cua này rất nhát, chỉ cần nghe tiếng chân người xào xạc trên thảm lá là chúng trốn biệt.
Dẫn chúng tôi đi xemcuaxe tăng, anh Nguyễn Viết Hoàn, kiểm lâm viên Hòn Bảy Cạnh dặn trước: “Loài cua này rất nhạy, chỉ cần nghe tiếng động nhỏ là chúng trốn biệt nên phải đi thật nhẹ và nhanh”. Thật chẳng sai, khi vừa ra tới khu rừng, chúng tôi đã nghe những tiếng “ào ào” như tiếng xe tăng. Nhanh thoăn thoắt, anh Hoàn chụp được những chú cua và rọi đèn pin cho chúng tôi xem. Có thể nói, đây là loài cua cạn lớn nhất Việt Nam với chiều dài mai có thể lên tới 10cm, đôi càng dị hình bên to, bên nhỏ nhưng rất chắc, khỏe, đủ sức xé lá và ăn các loài thực vật. Một điều đặc biệt của loài cua này là khi gãy càng chúng vẫn có thể tự mọc lại. Hiện nay, cua xe tăng đang nằm trong danh sách cần bảo tồn nên không được khai thác. Hoạt động xem cua xe tăng chỉ diễn ra trong vòng 15 phút vì nghe tiếng động, các chú cua trốn biệt trong hang hoặc nằm yên ở một góc nào đó rất khó thấy.
Kết thúc tour là màn xem rùa đẻ trứng. Tour xem rùa đẻ được mở từ tháng 4 đến tháng 10. Sau những giây phút hồi hộp, nín thở du khách được tận mắt chứng kiến những con rùa biển (còn gọi là rùa xanh hay vích) làm tổ và đẻ trứng bên bờ biển. Nhìn những chú rùa khổng lồ đẻ trứng mới thấy hết sự kỳ diệu của thiên nhiên. Theo các nhân viên kiểm lâm, những “chị rùa” tuy chậm chạp nhưng rất siêng năng và cẩn thận khi làm tổ. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ có cách khỏa lấp cát rất đặc biệt khiến bãi cát gần như trở về nguyên hiện trạng ban đầu, rất khó nhận biết.
Kết thúc các hoạt động, chúng tôi nghỉ đêm hoang dã trên những chiếc võng cột vào các thân cây giữa rừng. Trời về đêm giữa núi rừng âm u, cảm giác vừa có chút gì đó sợ sệt vừa thú vị. Sáng hôm sau chia tay Hòn Bảy Cạnh ai nấy đều lưu luyến và rất mong một ngày sẽ trở lại.
Bài, ảnh: THANH NGA
Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét